Walmart, Amazon, Miniso, Lulu và nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế khác đang muốn mở rộng hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam.
Tại “Diễn đàn xuất khẩu 2024” thuộc chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing Expo ngày 6/6, ông Aly Ansari, Giám đốc cấp cao phụ trách tìm nguồn hàng Walmart, đánh giá Việt Nam thuộc nhóm thị trường cung ứng quan trọng nhất tại châu Á.
“Chúng tôi muốn hợp tác trên quy mô rộng hơn, khai thác cơ hội tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm từ Việt Nam”, ông nói.
Hiện, các sản phẩm thời trang, đồ điện tử, đồ chơi sản xuất tại Việt Nam được Walmart thu mua để phân phối đến Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc. Ông Aly cho hay muốn tìm thêm nhà cung cấp đồ chơi, thực phẩm.
Tương tự, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục sản phẩm “made in Vietnam” là trọng tâm của nền tảng thương mại điện tử này.
5 năm qua, hàng Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300%. Nhóm ngành hàng sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, may mặc, làm đẹp… là những mặt hàng được ưa chuộng hàng đầu trên sàn thương mại điện tử này. “Chúng tôi muốn tìm kiếm sản phẩm tiềm năng mới”, ông nói.
Có 6.630 cửa hàng ở 110 thị trường, đại diện Tập đoàn Miniso cũng nói sẵn sàng mở rộng hợp tác với chuỗi cung ứng Việt Nam. Nhà bán lẻ này kinh doanh trên 10 danh mục chính, từ đồ gia dụng đến phụ kiện thời trang, đồ chơi, đồ điện tử.
Những nhà bán lẻ chưa bán nhiều sản phẩm Việt Nam cũng muốn có cơ hội hợp tác. Sở hữu trên 1.000 cửa hàng tại Mexico và Argentina, Coppel bán một tỷ lệ khiêm tốn đồ nội thất Việt và hai năm qua tìm thêm đối tác cung ứng nhưng không thành.
Họ tiếp tục dự sự kiện năm nay, hẹn thương thảo với khoảng 20 nhà cung cấp và hy vọng tìm được đơn vị cung ứng giày dép. “Chúng tôi rất thích chất lượng, mẫu mã đẹp của Việt Nam, nhưng giá còn hơi cao”, bà Jennifer Yuriko Patton Inukai, Giám đốc thu mua khu vực châu Á của Coppel cho biết.
Theo Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng, các nhà bán lẻ khổng lồ muốn mở rộng thu mua hàng từ Việt Nam, là bởi họ muốn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững. “Họ chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Thắng nhìn nhận.
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu sang thị trường có hiệp định thương mại (FTA) phục hồi tích cực. Bà Jennifer Yuriko Patton Inukai kiên trì tìm hàng Việt để bán vào Mexico, một phần bởi hai nước cùng là thành viên CPTPP.
Ông Herman Xu, Tổng giám đốc phụ trách chất lượng Tập đoàn Miniso thừa nhận Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và CPTPP. “Sự khác biệt về thuế quan đóng vai trò quan trọng. Việt Nam hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều FTA, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng tôi khi thâm nhập các thị trường mục tiêu”, ông nói.
Ngoài ra, nền sản xuất của Việt Nam lợi thế về năng lực, chi phí nhân công, khả năng kết nối nhờ vị trí địa lý chiến lược và logisitcs dần cải thiện.
Tuy nhiên, thách thức với hàng Việt là các đòi hỏi sản xuất bền vững ngày càng cao. Ông Hoàng Công Trang, Tổng giám đốc Tập đoàn TH nêu ví dụ châu Âu có cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới hay quy định chống phá rừng. “Các tiêu chuẩn mới ngày càng đề cao yếu tố xã hội, môi trường khi đánh giá sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là những tiêu chí khi quyết định hợp tác, đầu tư”, ông Trang nói.
Đó là lý do nhà sản xuất sữa này tăng các hoạt động giảm phát thải, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng. Điện mặt trời tại TH đang đáp ứng 10-20% cho nhu cầu dùng điện của nhà máy, tùy theo mùa. Năm nay, họ đặt mục tiêu thu gom 6.100 tấn bao bì đã qua sử dụng.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm xanh hóa để đáp ứng yêu cầu nhà thu mua, ông Benoit Fournier, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam nói doanh nghiệp nên xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc bằng kỹ thuật số, sử dụng năng lượng tái tạo và có đội ngũ chuyên trách cập nhật các quy định xanh, vốn rất phức tạp và luôn thay đổi như tại EU.