Amazon vận chuyển 20 triệu gói hàng mỗi ngày tại 19 quốc gia. Công việc này đòi hỏi một lượng giấy, bìa cứng, bao bì cực lớn và vì vậy, đóng gói sao cho hiệu quả mà vẫn mang lại lợi nhuận chính là bài toán mà Amazon cần tìm lời giải.
Vào năm 2019, tập đoàn này đã tung ra một mô hình AI độc quyền của riêng mình để giảm lãng phí bao bì. Kết quả, sau 5 năm, ít nhất 500.000 tấn bao bì/năm đã được ‘cứu rỗi’. Con số này gần tương đương với trọng lượng của 7.750 chiếc máy bay Boeing 737.
Kayla Fenton, quản lý cấp cao của nhóm đổi mới bao bì của Amazon, nói với Forbes: “Điều này cho phép chúng tôi đưa ra những quyết định dựa trên quy mô lớn. Đó chắc chắn là ví dụ cho sự bền vững. Hoạt động kinh doanh có thể kết hợp chặt chẽ”.
Cụ thể, để xử lý khối lượng, Amazon xây dựng mô hình AI, được gọi là Công cụ quyết định gói hàng, để tìm ra cách đóng gói hiệu quả nhất. Dữ liệu dựa trên văn bản, tên, mô tả sản phẩm sẽ được sử dụng; kết hợp với những bức hình chụp khoảnh khắc mặt hàng được đưa vào kho. Thông qua ‘đường hầm thị giác đặc biệt’, những bức ảnh này cung cấp thông tin chi tiết về kích thước, từ đó giúp công ty xác định nhanh chóng cách đóng gói hiệu quả.
“Có một cơ hội lớn không chỉ cho Amazon mà cho toàn ngành trong việc sử dụng AI để giảm lãng phí bao bì”, Rafael Auras, giáo sư chuyên về bền vững tại Đại học bang Michigan, nói.
Trong một bài báo năm 2021, nhà nghiên cứu Amazon Prasanth Meiyappan cho biết việc kết hợp dữ liệu từ cả hình ảnh và văn bản sẽ giúp cải thiện hiệu suất mô hình tới 30%. Theo Euihark Lee, trợ lý giáo sư tại Đại học bang Michigan, việc sử dụng AI để đưa ra quyết định đóng gói là điều khá kỳ diệu.
“Tôi nghĩ Amazon đang đi đầu trong việc triển khai AI ở khía cạnh đóng gói. Họ có rất nhiều dữ liệu. Các công ty khác không có lượng dữ liệu đó”.
Theo Forbes, Amazon, tập đoàn có doanh thu 575 tỷ USD, hiện đang sử dụng mô hình AI trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu. Ấn Độ, Úc và Nhật Bản sẽ là điểm đến tiếp theo. Được biết, mô hình đóng gói hiệu quả đã giúp cắt giảm hơn 2 triệu tấn bao bì từ năm 2015 đến năm 2022. Phía Amazon không tiết lộ khối lượng vật liệu đóng gói mỗi năm, vậy nên, rất khó để biết mô hình AI này đã giúp tập đoàn giảm bao bì đáng kể như thế nào.
Bao bì nhựa là vấn đề của Amazon bởi vật liệu này rất khó tái sử dụng. Một báo cáo gần đây của CalPIRG cho thấy rác thải nhựa từ Amazon hiếm khi được đưa đến các trung tâm tái chế thân thiện với môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, Amazon công bố vào tháng 10 rằng kho hàng ở Euclid, Ohio sẽ thay thế bao bì nhựa bằng vật liệu giấy và bìa cứng có thể tái chế. Đây chính là nỗ lực nhiều năm của gã khổng lồ bán lẻ nhằm loại bỏ nhựa khỏi mạng lưới phân phối.
Được biết, mô hình AI mới sẽ giúp Amazon xác định những mặt hàng nào có thể cho vào túi giấy một cách an toàn — một loại bao bì mới nhẹ hơn 90% so với hộp các tông cứng có cùng kích thước. Việc chuyển sang bao bì bằng giấy và bìa cứng hiện đã hoàn tất tại trung tâm phân phối Ohio. Tại châu Âu, nơi luật mới cấm bao bì nhựa sử dụng một lần, Amazon cũng thay thế túi giao hàng nhựa bằng vật liệu giấy và bìa cứng.
Amazon đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040. Trong báo cáo phát triển bền vững gần đây nhất cho năm 2022, công ty cho biết họ đã giảm 0,4% lượng khí thải carbon bằng cách vận chuyển 145 triệu gói hàng trên toàn cầu thông qua 9.000 xe điện. Sáng kiến bao bì có thể tác động gián tiếp đến lượng khí thải bởi gói hàng càng nhỏ thì càng tiết kiệm diện tích giao vận.
Đại diện Amazon cho biết mỗi chiếc xe tải có thể di chuyển tới hơn 240km sau mỗi một lần sạc, tức đủ năng lượng cho một ca làm việc. Về phần bảo trì, xe sẽ được đưa tới các trung tâm dịch vụ của hãng Rivian gần trạm giao hàng bởi một nhóm dịch vụ di động, tùy thuộc vào địa điểm.
Phóng viên tờ CNBC từng có buổi nói chuyện với các tài xế Amazon về sự thay đổi trong trải nghiệm lái xe. Họ cũng tham dự sự kiện Delivering the Future của Amazon tại Boston để xem xem thứ công nghệ này đã giúp tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả như thế nào.
Theo CNBC, Amazon là nhà đầu tư lớn của Rivian – công ty xe điện niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2021 với kế hoạch chuyên sản xuất các loại xe tải, xe tải giao hàng và SUV. Kể từ tháng 7, Amazon đã cho lưu hành hơn 1.000 xe tải Rivian tại khắp 100 thành phố lớn của Mỹ, bao gồm Baltimore, Chicago, Las Vegas, Nashville, New York và Austin, Texas.
Mối quan hệ hợp tác bắt đầu vào năm 2019, khi người sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos thông báo việc Amazon mua 100.000 xe tải điện Rivian chính là bước tiến đầy tham vọng giúp hãng này đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2040.
“Năm 2020, các nguyên mẫu sẽ bắt đầu xuất hiện trên đường. Đến năm 2024, 100.000 chiếc sẽ được triển khai”, Jeff Bezos tuyên bố hồi năm 2019. Tuy nhiên, Amazon sau đó đã thay đổi kế hoạch, dự kiến lưu hành 100.000 xe tải Rivian vào năm 2030.
Đối với hàng trăm nghìn tài xế Amazon, việc phải vận chuyển 20 triệu đơn hàng mỗi ngày trên khắp thế giới là vô cùng khó. Câu chuyện hồi năm 2021 về khối lượng công việc phi thực tế, phần mềm định tuyến lỗi hay đi vệ sinh trong…chai khiến ai nấy đều bàng hoàng trước môi trường làm việc khắc nghiệt tại hãng bán lẻ lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi những chiếc xe tải điện Rivian xuất hiện. Công nghệ đã ‘cứu rỗi’ gã khổng lồ TMĐT này.
Theo: Forbes, CNBC